Nhật Nam / 日南郡
Nhật Nam (chữ Hán: 日南) là một địa danh cũ của Việt Nam thời Bắc thuộc mà nhà Hán lập nên để cai quản Việt Nam.
Mục lục
[ẩn]
1 Vị trí
2 Ý nghĩa tên gọi Nhật Nam
3 Tham khảo
4 Chú thích
5 Xem thêm
6 Liên kết ngoài
[sửa] Vị trí
Quận Nhật Nam có vị trí bắt đầu từ đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình) đến Quảng Ngãi, Bình Định. Theo Hán thư, quận này thành lập năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 TCN) thời Hán Vũ Đế[1], bao gồm 15.400 hộ, 69.485 khẩu[1], chưa bằng nửa Cửu Chân (35.743 hộ, 166.013 khẩu)[1] và chỉ bằng một phần sáu Giao Chỉ (92.440 hộ, 746.237 khẩu)[1]. Toàn quận chia làm năm huyện:
Tây Quyển (西捲)[1] (Nay là bắc Quảng Bình, lưu vực sông Gianh).
Tỉ Cảnh (比景)[1] (Nay là nam Quảng Bình, lưu vực sông Nhật Lệ, Đại Giang).
Chu Ngô (朱吾)[1] (Nay là Quảng Trị, lưu vực sông Thạch Hãn).
Lô Dung (盧容)[1] (Nay là Thừa Thiên-Huế, lưu vực sông Bồ và sông Hương).
Tượng Lâm (象林), thành lập sau khi Mã Viện đánh xuống phía nam[2] (Nay là Quảng Nam-Quảng Ngãi, lưu vực sông Thu Bồn - Trà Khúc, sau là nước Lâm Ấp).
Thời Vương Mãng, quận Nhật Nam đổi thành đình Nhật Nam[1]. Thời Đông Ngô đổi làm tỉnh[3]. Đến năm Thái Khang thứ 3 (282) thời Tấn Vũ Đế lại đổi thành quận[3]. Đến thời Lưu Tống, quận Nhật Nam gồm 7 huyện: Tây Quyển, Lô Dung, Tượng Lâm, Thọ Linh (tách từ Tây Quyển), Chu Ngô, Vô Lao (tách từ Bắc Cảnh), Bắc Cảnh[3].
Năm 111 TCN, nhà Hán chinh phục Nam Việt. Học giả Aurousseau dẫn Thuỷ kinh chú của Lịch Đạo Nguyên nói năm Nguyên Đỉnh 6 (111 TCN), Hán Vũ Đế đặt quận Nhật Nam, quận trị là Tây Quyển[4]. Nhưng đến khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (39-43), Mã Viện mới chỉ tiến vào đến huyện Cư Phong (Thanh Hoá) là chặng cuối. Theo một số học giả [5], tì tướng của Mã Viện có thể vượt xa hơn chút ít nhưng chắc cũng chưa vào đến sông Gianh.
Các nhà nghiên cứu hiện nay dẫn các ý kiến, của H. Maspero (Pháp), Vũ Phạm Khải (Việt Nam), Tá Bá Nghĩa Minh (Nhật Bản), thống nhất khẳng định: Tượng quận mới được Tần Thủy Hoàng mở trong cuộc chiến tranh Việt-Tần ở phía nam Trung Quốc, trong đó quân Tần mới chỉ tiến tới Quảng Tây[6][7]. Tượng quận thời Tần thuộc Quảng Tây, không phải Nhật Nam thời Hán từ Quảng Bình trở vào Bình Định. Sở dĩ có sự nhầm lẫn đồng nhất Tượng quận thời Tần và Nhật Nam thời Hán, vì quận Nhật Nam thời Hán có huyện Tượng Lâm ở cực nam: Tượng quận là cực nam của đế chế Tần và Tượng Lâm ở cực nam đế chế Hán[7].
[sửa] Ý nghĩa tên gọi Nhật Nam
Theo một số nghiên cứu, tên gọi Nhật Nam ban đầu chỉ là một khái niệm.
Nhật Nam nghĩa là phía nam mặt trời. Sử ký viết: …南至北鄉戶[8] ("Nam chí bắc hương [hướng] hộ"). Tạm dịch: "...phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc". Sử ký tập giải (史記集解) của Bùi Nhân (裴駰)[9] thời Lưu Tống dẫn Ngô đô phú[10] của Tả Tư (左思, ~250 - ~305) viết: 開北戶以向日 ("Khai bắc hộ dĩ hướng nhật", nghĩa là Mở cửa hướng bắc để đón ánh mặt trời). Lưu Quỳ (刘逵) thời Tống Huy Tông giải nghĩa: 日南之北户,犹日北之南户也 ("Nhật nam chi bắc hộ, do nhật bắc chi nam hộ dã" nghĩa là phía nam mặt trời thì làm cửa quay mặt về hướng bắc, cũng như phía bắc mặt trời thì cửa nhà quay mặt về hướng nam vậy).
Cũng như từ Giao Chỉ, Nhật Nam ban đầu chỉ là khái niệm và có liên quan đến thiên văn. Phần lớn đất nước Trung Quốc ở trên Bắc Chí Tuyến (vĩ độ 23 độ 27 phút, ngang qua thành phố Quảng Châu), do đó Mặt Trời với họ luôn ở về phía nam, mọc phương đông nam và lặn phương tây nam. Rõ nhất trong ngày Đông chí đêm dài ngày ngắn, Mặt Trời lẩn quẩn hẳn về phía nam. Vì vậy khi tế trời (cúng Mặt Trời) thiên tử - con trời - phải quay mặt về phương nam. Có lẽ muộn nhất là thời nhà Tần, người Trung Quốc đã biết Trái Đất hình tròn và tự quay quanh trục của nó. Họ tính được quĩ đạo của Mặt Trời (hoàng đạo) và suy luận rằng đi về phía nam đến một nơi nào đó, muốn nhìn thấy Mặt Trời, muốn hưởng sự ấm áp của ánh nắng, con người phải làm nhà quay mặt về hướng bắc.
Tư Mã Thiên viết câu trên chứng tỏ ngành thiên văn biết vậy nhưng sự thực người Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân đến vùng Nhật Nam. Quan điểm này dựa vào kiến thức thiên văn hạn chế của người Trung Quốc cách đây 21 thế kỷ. "Vùng nhà cửa quay mặt về hướng bắc" theo logic Sử Ký, trên cơ sở thiên văn hiện đại, phải ở nằm dưới vĩ độ 23 độ 27 phút Nam (đi qua thành phố Rockhamton tại bang Queensland của Úc)[11]
[sửa] Tham khảo
Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp
Đào Duy Anh (2005), Lịch sử cổ đại Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin
Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Văn hóa thông tin
Cát Kiếm Hùng (2006), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập 1, NXB Văn hóa thông tin
[sửa] Chú thích
^ a b c d e f g h i Hán thư, quyển 28 địa lý chí, đệ bát hạ
^ Nam sử, quyển 78 Liệt truyện 68: Lâm Ấp quốc, nguyên tác: 林邑國,本漢日南郡象林縣,古越裳界也。伏波將軍馬援開南境,置此縣。 (Lâm Ấp quốc, bổn Hán Nhật Nam quận Tượng Lâm huyện, cổ Việt Thường giới dã. Phục Ba tướng quân Mã Viện khai nam cảnh, trí thử huyện.)
^ a b c Tống thư, quyển 38: Chí 28 - châu quận 4
^ Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hoá, Huế, 1994, tr.59
^ Nguyễn Vĩnh Phúc, Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Hà Nội, 1983, tr. 158-168. Đàn áp xong cuộc khởi nghĩa này, Mã Viện sai dựng cột đồng để định mốc giới. Trong bài Lescolonnes de bronze Mã Viện (B.A.V.H số 4, tháng 10-11, năm 1943), Đào Duy Anh đã chứng minh cột đồng ấy ở tại núi Thành, xưa có tên Đồng Trụ sơn, cách Vinh chừng 10 km về phía Tây Nam.
^ Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, tr 442
^ a b Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sách đã dẫn, tr 127
^ Sử ký, quyển 6: Bản kỷ 6 - Tần Thủy Hoàng
^ Bùi Nhân là con trai nhà sử học Bùi Tùng Chi (372-451)
^ Ngô đô phú (吴都赋)
^ Cổ sử Việt Nam - một cách tiếp cận vấn đề, NXB Lao Động 2007,
[sửa] Xem thêm
Giao Chỉ
Cửu Chân
Cửu Đức
Tượng quận
Bắc thuộc lần 1
Bắc thuộc lần 2
[sửa] Liên kết ngoài
Từ bình minh lịch sử
-----------------
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt_Nam